Đang truy cập : 10
Hôm nay : 1165
Tháng hiện tại : 5871
Tổng lượt truy cập : 3758165
Cụ thể, sau khi nội dung cần dịch được chụp lại, máy sẽ thực hiện bước tiền xử lý, cho ảnh đạt chất lượng tốt rồi chuyển qua module lọc phần văn bản là Tesseract. Toàn bộ nội dung chữ được dịch dựa trên tính năng của Microsoft translate và đưa ra kết quả cho người dùng. Bước tiền xử lý được nhóm nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng nhất, bởi nó là yếu tố quyết định đến tốc độ và sự chính xác của kết quả.
Nhóm nghiên cứu ra ứng dụng trên là Đoàn Văn Cao, Vũ Thanh Tùng, Dương Tuấn Đạt, Trần Văn Nam và Vương Thị Thúy Hồng. Phần mềm "dịch ảnh" cũng chính là đồ án tốt nghiệp xuất sắc của nhóm 5 sinh viên ĐH FPT.
Vũ Thanh Tùng, thành viên của nhóm chia sẻ, ứng dụng này được "khai sinh" với hy vọng phá bỏ rào cản ngôn ngữ cho người đọc sách, đi du lịch, thậm chí trong quá trình làm việc. Bởi chỉ mất 3-5 giây, phần mềm sẽ tự động nhận diện ngôn ngữ qua ảnh chụp, chuyển qua dạng text và dịch sang ngôn ngữ mong muốn.
"Điều này nhanh hơn nhiều so với gõ lại văn bản và dùng các công cụ dịch thuật khác. Đơn cử, đi đường, lướt qua một biển hiệu, em cũng chỉ cần chụp ảnh lại, sau vài giây, máy sẽ tự dịch từ ảnh sang thứ tiếng em cần, giúp em hiểu được nội dung trên đó", Tùng nói.
Ý tưởng này đến khi nhóm sinh viên FPT bắt gặp một số phần mềm lọc text từ ảnh. "Trước đây đã có nhiều phần mềm lọc text từ ảnh, chủ yếu được ứng dụng để scan văn bản rồi chuyển từ dạng PDF sang Word. Từ đó bọn em có ý tưởng, đã lọc được text thì chắc chắn phải dịch được, trong khi ngôn ngữ lại luôn là rào cản của không ít người khi đi du lịch, trong công việc. Nhất là trong những tình huống chớp nhoáng, không thể có thời gian gõ lại để dịch trên các phần mềm truyền thống. Chúng em nghĩ vậy nên triển khai luôn", Tùng nói.
Bắt tay vào thực hiện từ tháng 4, chưa đầy 4 tháng sau, các sinh viên nhóm High Five đã cho ra đời phần mềm "Bạn đồng hành thông thái". Trong đó, nhóm dành gần 2 tháng để thử nghiệm theo chu trình "gối đầu".
"Hoàn thiện đến đâu, bọn em kiểm tra luôn đến đó. Quá trình test, bọn em đi khá nhiều bảo tàng, di tích lịch sử ở Hà Nội, chụp lại ảnh rồi để máy dịch thì độ chính xác khá cao và rất nhanh. Điều này cũng được các thầy cô ở ĐH FPT kiểm nghiệm hôm chúng em bảo vệ đồ án", Vương Thị Thúy Hồng nói.
Trưởng nhóm Đoàn Văn Cao cho biết, ban đầu mất khá nhiều thời gian cho "tham vọng" quá lớn, muốn tự thiết lập phần mềm lọc ảnh từ text. Ý tưởng đó dường như viển vông khi để thiết lập tính năng lọc text với một ngôn ngữ, các chuyên gia mất đến 10 năm, chưa kể cần dịch văn bản từ ảnh sang hơn 30 thứ tiếng. Trong khi đó những phần mềm lọc text như vậy đã có khá nhiều. "Theo gợi ý của thầy hướng dẫn, chúng em ứng dụng nền tảng lọc text Tesseract rồi tập trung vào khâu tiền xử lý", Cao nói.
Cao cho biết, ngày 18/8, cả đội quyết định gửi ứng dụng lên Apple store. Ngày 29/8, nhóm bất ngờ khi thấy kết quả báo trên App chuyển trạng thái từ "waiting" sang "ready for sale". "Ngay từ khi triển khai, chúng em đã nghĩ đến việc thương mại hóa phần mềm nhưng không ngờ nhanh như vậy", trưởng nhóm vui mừng nói.
Theo đó, khi mỗi người dùng trả một đôla cho App store, nhóm này sẽ nhận được 0,7 USD tiền bản quyền. Dự kiến, khoảng giữa tháng 9, ngay sau khi thuê được server ổn định, nhóm High Five sẽ kinh doanh ứng dụng này trên "kho Apple". Không dừng ở đó, các sinh viên dự định tiếp tục nâng cấp ứng dụng để có thể áp dụng được với cả Window phone và Android, đồng thời cải thiện chức năng "dịch ảnh" tốt hơn nữa.
Đánh giá cao ứng dụng này trong đồ án tốt nghiệp, thầy Phan Trường Lâm, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ đồ án tốt nghiệp cho biết, đây là một phần mềm hữu dụng, được xây dựng bài bản cho thấy kiến thức của các sinh viên thực hiện rất chắc chắn. "Đây là ý tưởng hay và thực tiễn, sáng tạo, hữu ích cho thực tế, áp dụng được vào thương mại chứ không dừng ở ý tưởng trên giấy. Trường cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các sinh viên có được những sản phẩm hoàn thiện, có tính ứng dụng cao như vậy", ông nói.
Nguồn tin: Vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn