Đang truy cập : 10
Hôm nay : 455
Tháng hiện tại : 4586
Tổng lượt truy cập : 3716212
Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân trong cả nước và trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt nam. Hơn nữa thế kỷ đã trôi qua kể từ lần phát động "Tết trồng cây" đầu tiên, nhân dịp Xuân Kỷ Hợi năm 2019, chúng ta cùng nhìn lại những "Tết trồng cây" đặc biệt của Bác Hồ:
Tết trồng cây năm 1960
Để chuẩn bị phát động phong trào, ngày 28/11/1959, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” để phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của phong trào này và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”, "việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Nếu tất cả Nhân dân miền Bắc, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, mỗi người trồng một hoặc vài ba cây vào dịp Tết hằng năm và chăm sóc cho tốt, làm được như thế thì trong năm (từ 1960 – 1965) của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cả miền Bắc sẽ có được 90 triệu cây. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân". Người kêu gọi Bộ Nông Lâm và các địa phương chuẩn bị tốt cho ngày “Tết trồng cây”.
Ngày 11/1/1961, Người trồng cây đa ở công viên Bảy Mẫu (nay là công viên Lênin) mở đầu phong trào “Tết trồng cây”. Nói chuyện với một số cán bộ và nhân viên tham gia buổi trồng cây này, Người cho rằng: chúng ta làm đây là làm cho bản thân, cho con cháu mình. Hồ Chí Minh theo dõi chặt chẽ việc thực hiện “Tết trồng cây”.
Tết trồng cây năm 1965
Sáng ngày 31-1-1965, huyện Đông Anh - Hà Nội tổ chức Tết trồng cây trên toàn tuyến quốc lộ số 3 mà trọng điểm là xã Đông Hội. Mọi người đang hăng hái lao động, người đào hố, người đặt cây... thì Bác Hồ xuất hiện. Nhìn thấy Bác đến bất ngờ, ai cũng sung sướng, xúc động. Người căn dặn: “Các cụ, các cô, các chú trồng cây nào, phải trông nom, tưới tắm cây ấy cho thật tốt. Các cháu nhỏ chăn trâu không được làm hư hại cây...”. Rồi Bác xắn quần cao, đi đến một cái hố cây đã đào sẵn. Bác đặt cây đa xuống hố và sửa cho cây đa đứng thẳng sau đó xúc từng xẻng đất đắp vào gốc cây. Nhìn những lát xẻng xúc đất nhanh nhẹn của Bác, mọi người ai cũng xúc động và thầm mong cho Bác luôn khỏe mạnh.
Tết trồng cây cuối cùng của Bác Hồ - 1969
Mùa xuân Kỷ Dậu năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề rất khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết. Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...” Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây là nơi có phong trào trồng cây tốt.
Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Bác đến địa điểm trồng cây. Đông đảo các đại biểu, các tầng lớp Nhân dân đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động nghẹn ngào.Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác nói: Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi. Mặt trời đầu xuân ấm áp đã lên cao, ai cũng bùi ngùi lưu luyến chia tay Bác và tất cả mọi người có mặt trong buổi Bác trồng cây năm ấy không ai nghĩ rằng đó là mùa xuân cuối cùng và cũng là cái Tết trồng cây cuối cùng của Bác.
Người viết bài “Tết trồng cây” (đăng trên báo Nhân dân ngày 5/2/1969) để góp phần thúc đẩy toàn dân tham gia thực hiện tốt phong trào Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó đến nay, mỗi khi xuân đến, nhân dân Việt Nam lại tổ chức “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây” đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế và quốc phòng, góp phần làm giàu đẹp cho Tổ quốc.
Theo TÊN NGƯỜI ĐẸP NHẤT
Tác giả bài viết: BTV Đoàn trường
Nguồn tin: Tết trồng cây
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thptvinhhai.edu.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn